William Shakespeare
Tiểu sử: Sinh ở Stratford bên bờ sông Evon trong một gia đình thị dân khá giả. Ông học đọc và viết tiếng Anh và có được ít nhiều hiểu biết về các ngôn ngữ cổ đại trong một trường ngữ pháp ở địa phương. Ðến năm 18 tuổi vì hoàn cảnh gia đình phải thôi học. Cùng năm này ông cưới vợ. Năm 1585 ông rời quê lên Luân Ðôn đang lúc kịch trường ở Luân Ðôn trong thời kỳ sôi nổi.
Bước đầu ông xin làm chân giữ ngựa, soát vé ở cổng rạp hát. Sau đó làm nghề nhắc tuồng, thợ sửa bản in, dần dần lên làm diễn viên, đạo diễn và nhà viết kịch. lợi tức rạp hát là nguồn sống suốt đời của ông. Khi đời sống đã khá, ông củng cố địa vị xã hội bằng cách mua một tước quý tộc nhỏ.
Lúc ở Luân Ðôn, ông được Bá tuớc Southampton hào hiệp giúp đỡ. Dưới mái nhà của Bá tước, có một người Ý lưu vong là Giovani Florio. Ông này đã giúp Shakespeare hiểu biết thêm về văn học Phục Hưng Ý và Pháp. Cuộc sống đang êm đềm thì xảy ra biến cố. Ðó là vụ án Essex và Southampton (1601). Essex bị kết tội gây loạn chống triều đình Elizabeth. Shakespeare cũng bị tình nghi có liên quan vì vở kịch Richard III được diễn ra một hôm trước đó. Essex bị chặt đầu, Southampton bị tù chung thân. Còn Shakespeare trốn biệt
Năm 1603 Elizabeth chết, Jacques VI xứ Scotland, xưng là James I, Southampton được trả tự do và trọng dụng. Shakespeare xuất hiện trở lại với đoàn kịch của mình và được triều đình hậu đãi.
Năm 1612 Shakespeare rời Luân Ðôn sau ¼ thế kỷ hoạt động sân khấu. trở về Stratford để sống những năm cuối đời. Ông mất ngay ngày sinh của mình (23 tháng 4 năm 1616).
Các giai đoạn sáng tác: Trong thời gian ¼ thế kỷ, thế giới quan và sáng tác của Shakespeare thay đổi và phát triển theo lòng tin vào con người và cuộc sống của ông. quá trình sáng tác của ông chia làm 3 giai đoạn:
Giai đoạn I: (1592-1600) là giai đoạn thắng thế của cái nhìn lạc quan yêu đời, lòng tin vào khả năng giải quyết của con người trước những mâu thuẫn trong xã hội và cuộc sống theo hướng tốt đẹp nhất. Không khí lạc quan bao trùm các tác phẩm của giai đoạn này hướng tới sự giải quyết hài hòa các mâu thuẫn và lòng tin vào khả năng đạt được sự hài hòa ấy.
Ngoài một số kịch lịch sử, các tác phẩm đa số là hài kịch: Hài kịch của những hiểu lầm, Hai chàng quý phái ở Veronna, Giấc mộng đêm hè, Chàng thương gia thành Venise, Những bà vợ vui tính ở Wilsor, Ðêm thứ 12 . . . Cuối giai đoạn một có một số bi kịch xuất hiện mang những cảm quan có tính chất bi đát, gồm những bi kịch tình huống như Roméo Juliette, Julius César.
Giai đoạn II: (1601-1608) Shakespeare không mất lòng tin vào các nguyên lý nhân bản nhưng cách cảm thụ thế giới của ông đã đổi khác. Chính từ góc độ của những lý tưởng đó mà Shakespeare nhận thức về các mâu thuẫn xã hội một cách gay gắt hơn, sâu sắc và kịch liệt hơn. Giờ đây các mâu thuẫn đó chiếm ưu thế trong kịch của ông. Chúng khó chấp nhận sự dàn xếp hài hòa mà đòi hỏi phải đấu tranh đến cùng, và trong quá trình đó toàn bộ điều ác của cuộc đời phải bị bộc lộ. Cảm quan bi kịch chiếm ưu thế trong các sáng tác của thời kỳ này. Shakespeare say mê tìm lối thoát cho những bi kịch cuộc sống. Ngay khi cảm thụ cuộc đời một cách u ám nhất, Shakespeare vẫn giữa lòng tin vào con người, vào thắng lợi cuối cùng của những nguyên lý tốt đẹp trong đời sống.
Các tác phẩm đa số là bi kịch tính cách mà nguồn suy tư đổ dồn vào những các nhân, những nhân vật suy tư, khổ đau, dằn xé như các vở Hamlet, Othéllo, Macbeth, Vua Lear. . . Trong giai đoạn này cũng có vài vở hài kịch như: Cái gì kết thúc tốt tất tốt, Timon ở Athène. . . nhưng tiếng cười đã nhuộm màu u ám, mất đi vẻ tươi tắn lạc quan lúc đầu.
Giai đoạn III: (1609-1613) Là giai đoạn mà Shakespeare quay trở về con đường tìm kiếm các giải pháp lạc quan cho những mâu thuẫn xã hội. Nhưng vì thiếu những tiền đề trực tiếp cho sự thắng thế của công lý và điều thiện cho nên các giải pháp này chỉ là ảo tưởng. Trong giai đoạn này chủ nghĩa hiện thực gay gắt và tỉnh táo của Shakespeare phải nhường chỗ cho sự lý tưởng hóa cuộc sống. Các tác phẩm của ông trong thời kỳ này cũng thay đổi loại hình, gồm những vở bi hài kịch : Périclès, Cymbeline, Câu chuyện mùa đông, Bão táp.
Các thể loại kịch của Shakespeare :
Kịch của Shakespeare là một kiểu mẫu vĩ đại có tầm bao quát chiều rộng và chiều sâu trong việc nhận thức con người và cuộc đời. Nhận thức đó đã vẽ ra trước mắt người đọc và người xem toàn bộ cái đa dạng và phong phú của thực tại, với những đỉnh cao chói lọi cùng những vực thẳm của nội tâm cá nhân, nghĩa là từ những tình cảm cao quý nhất đế những ham muốn thấp hèn nhất.
Có 3 thể lọai chính trong kịch của Shakespeare:
-Kịch lịch sử: (Kịch biên niên) Phần lớn lấy đề tài từ lịch sử thật của Anh Quốc, chủ yếu trong tập : Sử biên niên của Anh và Scotland của Holinshed. Các vở kịch lịch sử của Shakespeare đã tái hiện lại một số thời điểm nhiều kịch tính nhất trong 100 năm quá khứ của nước Anh.
Các vở kịch này thường nhất quán một tư tưởng: Ðó là sự cần thiết phải thống nhất quốc gia, giữ vững hòa bình và sự thắng thế tất yếu của nhà nước quân chủ tập trung trước tình trạng vô chính phủ.
Qua các vở kịch lịch sử, Shakespeare còn đặt biệt chú ý đến việc hành xử của các vị vua. Ông có cảm tình với các ông vua sáng suốt gần gủi với quần chúng nhân dân như Henry IV. Ðồng thời ông cũng lên án các ông vua nhu nhược, tàn bạo (Richard III, Macbeth.).
Kịch lịch sử của Shakespeare cũng tái hiện quá khứ kết hợp với việc phản ánh thực tại đương thời. Ông lựa chọn chất liệu lịch sử kết hợp với việc phơi bày tâm lý của con người thời Phục Hưng. Kịch lịch sử của ông là bản thảo đầu tiên cho những bức tranh về cuộc đời mà sau này ông sẽ vẽ nên một cách hoàn hảo hơn ở giai đoạn II. Cuối cùng cái khuôn mẫu về một nền quan chủ chuyên chế sáng suốt như ông ước mơ đã trở thành một thứ ảo tưởng, biểu lộ qua các sáng tác của giai đoạn sau.
Vở kịch Richard III nói về âm mưu và hành động của Công tước Glauste nhằm chiếm đoạt ngai vàng của anh ruột mình là vua Edward IV. Trong khi thực hiện âm mưu, một mặt hắn thanh toán hết các đối thủ của dòng họ York của mình. Mặt khác, hắn tiêu diệt các đối thủ thuộc dòng Lancaster, vốn đối địch với dòng họ York đã từng tranh chấp quyền cai trị nước Anh trong nhiều năm. Lịch sử Anh ghi lại đó là thời kỳ nội chiến Hai Hoa Hồng.
Nhân vật bi kịch bao trùm suốt vở là một nhân vật phản diện, đi ngược lại quyền lợi lịch sử của nhân dân, kẻ thù của chủ nghĩa nhân văn. Vở kịch đã khẳn định bước tiến tất yếu của lịch sử. Chế độ phong kiến cát cứ và những cuộc chiến tranh của nó phải chấm dứt để xây dựng nhà nước quân chủ tập trung. Bên cạnh sự phê phán những tệ nạn chốn cung đình, vở kịch đã có thái độ trân trọng với những ý kiến phán xét của nhân dân về triều chính. Richard III chính là tiền thân của những Iago, Macbeth, Claudius sau này.
-Hài kịch: Những hài kịch trong giai đoạn I của Shakespeare đã thể hiện chủ nghĩa lạc quan của ông, bắt nguồn từ bầu không khí lạc quan của thời đại Phục Hưng.
Chủ đề trung tâm của hài kịch Shakespeare là sự chiến thắng của tình yêu trước mọi trở lực. Chiến thắng đó bắt nguồn từ niềm vui khoái lạc của tinh thần luyến mộ trần thế mãnh liệt vừa trổi dậy trong tâm thức Phục Hưng mà suốt thời Trung cổ nó đã bị vùi dập bởi những tư tưởng khổ hạnh, chối bỏ trần thế.
Hài kịch Shakespeare cũng lên án tất cả những gì phản tự nhiên, những thành kiến cổ hủ lạc hậu áp chế cảm xúc con người. Ngoài ra nó còn tố cáo tác hại của đồng tiền.
Nhân vật chính của các vở hài kịch là các chàng trai, thiếu nữ điển hình cho con người Phục Hưng, đầy nhiệt huyết, trí tuệ sắc sảo, ước mơ độc lập. Tình yêu, trí tuệ và lòng chung thủy là năng lượng cực mạnh giúp họ chiến thắng điều ác và mọi nghịch cảnh. Các đề tài mà Shakespeare đã khai thác như : Quyền tự do lựa chọn bạn đời, sự bình đẳng nam nữ, vẻ đẹp của tình yêu, sự hấp dẫn về dung mạo. . . các nhân vật nữ cũng tỏ ra tích cực trong việc bảo vệ hạnh phúc của mình.
Ngoài ra các vai hề vô cùng quan trọng trong các vở kịch này. Họ đều là những kẻ xuất thân từ các tầng lớp dưới của xã hội, đã mạnh dạn phê phán chế giễu những thói xấu của tầng lớp trên. Các vai hề tượng trương cho lý trí lành mạnh của nhân dân.
Thiên nhiên và văn học nhân gian Anh cũng để lại những dấu vết trong hài kịch của Shakespeare qua các bài hát dân gian, tục ngữ, truyện cười, những truyền thuyết về thần tiên, ma quỷ trong rừng . . . ngôn ngữ kịch sinh động, biến chuyển theo tình huống: từ lời nói lịch sụ chốn cung đình đến những lời bông đùa thô tục trên đường phố. Tiếng cười trong hài kịch Shakespeare được xây dựng từ những tình huống phong phú như sự ngộ nhận về từ ngữ, các sự kiện đối lập ngẫu nhiên đưa đến nụ cười.
Tiếng cười của Shakespeare xuất phát từ nền tảng của chủ nghĩa nhân văn. Nó là một kiểu mẫu trước đó chưa hề có cũng như về sau không hề có vì nó mang bóng dáng cuộc đời vui thật lúc bấy giờ.
Bi kịch: Ða số bi kịch của Shakespeare được sáng tác trong giai đoạn thứ hai, đánh dấu một chặng đường quan trọng trong tư tưởng của ông. Ông nhận ra rằng xã hội đang bị bất công thống trị, mọi giá trị cao quý đều bị chà đạp. Ông đứng trước ngã ba của thời đại: cái quá khứ Trung cổ thì đã chết, hiện tại thì đen tối còn tương lai thì quá mờ mịt xa xôi. Ông đã từng bày tỏ trong bài Sonnet 66:
Chán nản hết rồi, ta kêu gào cái chết
Vì phải nhìn kẻ nghèo hèn trong trơ trụi sinh ra
Thằng vô lại đắm mình trong hoan lạc
Lòng tin trong sáng bị nguyền rủa xót xa
Danh dự cao sang đặt vào nơi tủi hổ
Tấm lòng trinh nữ bị tan nát dày vò
Ðức tài toàn vẹn thì thất sủng bất công
Sức mạnh hùng cường trở nên bất lực
Nghệ thuật bị kẻ cầm quyền bắt phải lặng im
Sự điên rồ cai quản tài ba
Và chân lý bị gọi lầm là đơn giản.
Vì phải nhìn kẻ nghèo hèn trong trơ trụi sinh ra
Thằng vô lại đắm mình trong hoan lạc
Lòng tin trong sáng bị nguyền rủa xót xa
Danh dự cao sang đặt vào nơi tủi hổ
Tấm lòng trinh nữ bị tan nát dày vò
Ðức tài toàn vẹn thì thất sủng bất công
Sức mạnh hùng cường trở nên bất lực
Nghệ thuật bị kẻ cầm quyền bắt phải lặng im
Sự điên rồ cai quản tài ba
Và chân lý bị gọi lầm là đơn giản.
Những xung đột gay gắt trong kịch của Shakespeare thể hiện qua nghệ thuật khái quát hóa các mâu thuẫn xã hội, mà trong đó là cuộc đấu tranh giữa những con người mang lý tưởng nhân văn và những nhân vật đại diện cho cái ác. Mặc dù các nhân vật anh hùng ngã xuống, công lý hình như vẫn được phục hồi khi những đại diện của cái ác bị trừng trị một cách đích đáng. Vì thế, tuy có màu sắc u ám thảm đạm, các vở bi kịch của Shakespeare không rơi vào chủ nghĩa bi quan mà thấm đượm lòng tin vào sự chiến thắng cuối cùng của những nguyên lý tốt đẹp trong đời sống.
Các bi kịch của Shakespeare không những ghi lại các thời điểm gay gắt trong xã hội mà còn ghi lại cả những cơn khủng hoảng tinh thần sâu sắc của các nhân vật. Tất cả họ đều trãi qua những chặng đường đấu tranh gay gắt trong nội tâm, giữa tình huống và nội tâm, giữa hành động và suy tư. Nét tính cách nổi bật nhất nơi các nhân vật Shakespeare trong các vở bi kịch là lòng kiên trì hướng tới mục đích. Lý tưởng hoặc dục vọng đã bẻ lái cho con thuyền đời và nở hoa cho hành động các nhân vật chính: Hamlet, Othello, Macbeth . . . Chính sự thống trị của nét tính cách cơ bản này, dù tích cực hay tiêu cực, đều đã dẫn nhân vật đến cái chết.
Cái chết của các nhân vật trong bi kịch Shakespeare được quyết định bởi những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Sau cái chết của các nhân vật, người xem càng thấy ý nghĩa sâu sắc của bi kịch Shakespeare, như một chứng tích của thời đại.
Nguồn: Sưu tầm
Đăng nhận xét