MÙA LẠC
Nguyễn Khải
I . ĐẶT VẤN ĐỀ .
Nguyễn Khải là một trong những cây bút nổi tiếng thuộc thế hệ các nhà văn trưởng thành từ sau cách mạng tháng Tám . Trong thời kì miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, cũng như nhiều nhà văn khác, Nguyễn Khải tập trung miêu tả sự thây đổi to lớn trong đời ssống mới . Năm 1960 ông cho ra đời tập truyện ngắn “Mùa lạc” trong Mùa lạc là một trong những tác phẩm thành công nhất bởi nó đề cập đến vấn đề khám phá cuộc sống, khẳng định ý nghĩa của cuộc sống mới trong việc làm thay đổi số phận con người . Trong đó nhân vật Đào là điển hình cho sự vận động hồi sinh đó .
II . GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ .
Mùa lạc mở đầu bằng một hình ảnh toàn cảnh rất điện ảnh . Tưởng ống kính nhà văn đang lướt nhanh trên cánh đồng phía tây Hồng Cúm qua màu xanh lặng lẽ của lá lạc, lá cỏ nghệ và rút đòng . Thị giác của người đọc loãng ra trong không gian mênh mông của bãi lạc , chợt có tiếng động ù ù, lạo xạo của máy móc, rồi từ trung tâm của cảnh hiện ra những chiếc máy tuốt lạc giữa bụi và âm thanh . Và trung tâm của bức tranh lao động đó là hình ảnh cặp đoàn viên của đội sản xuất số 6 : đó là Đào và Huân . Trong đó đáng chú ý là Đào . Nhân vật của chúng ta hiện lên mở đầu tác phẩm là như thế , và cũng từ thủ pháp rất điện ảnh đó, nhân vật Đào bộc lộ một cách trọn vẹn con người, tính cách ...
Đào là người gặp một lần là nhớ mãi . Đào không xinh đẹp, trái lại chị có những nét thiếu hoà hợp đến thô mộc . Hai con mắt hẹp và dài đưa đi đưa lại rất nhanh, hoà hợp với hàm răng khểnh của người luon ưa đừa cợt . Đặt Đào bên cạnh Huân, chàng thanh niên đẹp trai nhất đội , đang trong độ xuân sức càng làm nỏi bật sự thua thiệt về mặt hình thức của chị , và như thể đó là trò đùa của tạo hoá . Chị ít duyên dáng đến độ sồ sề . Cái đầu nhọn, đôi chân ngắn ngủn,bàn tay có những ngón rất thô . Song ẩn đằng sau những nét thiếu duyên dáng ấy lại là cái tinh tường bẩm sinh hiếm thấy . Phải chăng đôi mắt dài lóng lánh của Đào chính là điểm sáng trên dung nhan của chị ? Nó báo trước một tính cách khác thường .
Đào sắc sảo ngay trong lời ăn tiếng nói . Chị thuộc nhiều ca dao, tục ngữ và rất linh hoạt khi vận dụng . Ngôn ngữ đối thoại của Đào vì thế rất ấn tượng, chứa đầy mặc cảm, nhưng cũng tự tin đến mức tàn nhẫn . Xót xa về thân phận mình , chị cất lên thành lời : Các anh đã biết đời em rồi đấy . Mỗi năm một tuổi , cái tuổi nó đuổi xuân đi . Hoặc là : Trâu quá sá, mạ quá thì, hồng nhan bỏ bị còn gì là xuân . Nhưng ý thức về cái tôi trong Đào cũng vô cùng mạnh mẽ . Biết mọi người đùa ác khi gán ghép mình với Huân, chị đã đốp chát không kém phần ngoa ngoắt , bởi “việc gì phải tủi, phải nhún nhường, người nào mà chả có phần tốt đẹp” . Với một người nghèo xấu xí, lỡ làng và trơ trọi như Đào thì đấy là phương thức duy nhất để đáp lại sự coi thường và những trò tai quái của người đời . Chỉ một câu ca dao bật ra bất ngờ nhưng Đào đã khiến mọi người kinh ngạc : Huê thơm bán một đồng mười . Huê tàn nhị rữa giá đôi lạng vàng . Đúng là đáo để thật nhưng không phải là không có xót xa , cay đắng . Có lẽ chỉ nên hiểu cái đanh đá , chanh chua đấy là một phương cách để có quên đi nỗi đau và giấu cho đừng ai nhìn thấy những giọt nước mắt đọng trong tâm hồn vẫn còn chưa kịp ráo .
Cũng qua ngôn ngữ đối thoại, ta thấy Đào là một người già dặn, trải đời . Nhưng cũng chính sự mạnh mẽ này đã làm nảy sinh những điểm yếu như một mâu thuẫn không thể khác được . Đào gồng mình lên để sống, chị chao chát, bướng bỉnh đến góc cạnh . Vậy mà trái tim chị luôn rỉ máu khi nghe những câu nói đùa cửa miệng của Lâm . Lần nào nghe những câu nói ấy chị cũng buồn tủi như chợt được biết lần đầu về mình . Chỉ một trò đùa ghép đôi đầy bỡn cợt, với Đào cũng là một nỗi ám ảnh , một khắc khoải khôn nguôi . Cuộc đời đầy khỏ đau đã biến Đào thành một con nhím luôn xù lông tự vệ .
Quả thực quá khứ của đào đầy rẫy những bất hạnh . Sinh ra chị đã khổ , những nỗi khổ truyền kiếp của phụ nữ nông thôn Việt Nam . Nhà nghèo không có ruộng, chị làm nghề đậu phụ . Thời địch tạm chiếm lại xoay sang ủ men nấu rượu . Lấy chồng từ năm 17 tuổi nhưng gặp phải anh chồng cờ bạc bỏ đi Nam . Trở về sống với nhau chưa được bao lâu thì ốm chết . Mấy tháng sau , đứa con trai lên hai tuổi cũng bỏ chị mà đi . Không còn gia đình, không nơi nương tựa, Đào bơ vơ không biết bám víu vào đâu . Chị ngược xuôi buôn bán , đòn gánh trên vai, tối đâu là nhà , ngã đâu là giường . Những tháng năm cơ cực, lang thang đã làm biến đổi cả diện mạo của chị . Mái tóc óng mượt ngày xưa qua năm tháng đã khô lại, đỏ đi như chết, hàm răng phai không buồn nhuộm, soi gương thấy gò má càng cao, tàn nhang nổi càng nhiều . Cảnh đời trên đã đưa Đào đến những tâm trạng, tính cách : Muốn chết nên đời còn dài nên phải sống , một cuộc sống vô hồn , vô nghĩa. Đào sống để quên đi những ngày tháng đã qua, còn cuộc sóng những ngày sắp tới chị cũng khong cần biết . Chị sống táo bạo và liều lĩnh, ghen tị với mọi người và hờn giận cho thân mình .
Nhưng dù sao Đào vẫn là một phụ nữ, cũng có những khát khao hạnh phúc , tình thương yêu và một mái ấm gia đình . Thỉnh thoảng, lúc ốm đau, yếu đuối, nằm nhờ nhà người quen, bưng bát cơm nóng, nhìn ngọn đèn dầu, khát khao ấy lại bùng lên, giằng xé mãnh liệt hơn. Nó thành một nỗi đau sâu kín không thể lên da non, một nỗi đau tàn nhẫn . Một con người sắc sảo, thông minh, có đầy đủ khả năng làm vợ, làm mẹ như mình mà lại chịu cảnh “ôm đèn lẻ bóng năm canh” ư ? Đào đã gượng dậy, gồng mình lên chống chọi với cuộc đời nghiệt ngã . Người ta chỉ còn thấy ở Đào một cá tính táo tợn, một tính cách đanh đá, một cách sống bất cần đời . Nhưng từ thẳm sâu tâm hồn , Đào mệt mỏi và đáng thương biết bao . Chỉ cần tồn tại thôi, không còn cảm giác sống theo đúng nghĩa của nó nữa . Để rồi một ngày một mệt mỏi như con chim bay mãi cũng mỏi cánh, con ngựa chạy mãi cũng chồn chân . Chị tìm đến nông trường Điện Biên, những mong yên thân sống nốt quãng đời còn lại nơi miền đất xa xôi ấy , chị vẫn tồn tại suy nghĩ, lo lắng, sợ hãi có thể gặp nhiều điều đau buồn hơn . Bởi thế chị sống thu mình lại, nếu ai chạm đến , Đào sẵn sàng giương nanh vuốt ra ngay . Lưng vốn ca dao, tục ngữ mà Đào tích cóp được từ sương gió cuộc đời đủ để giúp chị sử dụng như một thứ vũ khí tuỳ thân . Thế nhưng một nghịch lí : những khát khao, những ước vọng vẫn bùng cháy trong Đào . Mỗi buổi đi làm, cùng nhổ lạc ở một khoảnh, cùng đứng tuót ở một máy, nhìn đôi cánh tay cuồn cuộn những thớ thịt cháy nắng đỏ rực của Huân thoang thoảng bên cạnh, chị lại bừng bừng thèm muốn một cảnh gia đình hạnh phúc, lại hi vọng cuộc đời mình chưa phải đã tắt hẳn, một cái gì đó chưa rõ nét nhưng đằm ấm hơn, tươi sáng hơn những ngày đã qua cứ lấp loé ở phía trước . Một câu hỏi cứ vương vấn mãi trong Đào: Có thể đấy là cuộc đời còn lại của chi chăng ? Đào biết sự chênh lệch giữa mình và Huân nhưng Đào vẫn cần đén Huân, vì hơi thở, nụ cười, vì lòng tốt và một sức lực cường tráng của anh, tất cả đều có thể đốt cháy lên trong Đào niềm hi vọng khác lớn hơn : Hi vọng cuộc đời mình chưa phải đã tắt hẳn ...
Và niềm hi vọng ấy của Đào đã được hồi sinh trên mảnh đất Điện Biên này sau suốt một chặng đường đời dài Đào long đong và bạc bẽo . Một ước ao mình được trẻ lại, như không bao giờ có cuộc đời đã qua . Một nỗi vui sướng kì lạ, dào dạt ... khiến người chị ngây ngất, muón cười to một tiếng nhưng trong mí mắt lại đã mọng đầy nước chỉ định trào ra . Một sự hồi sinh thật lớn lao , kì diệu . Đào đâu ngờ hạnh phúc mà chị đã mất đi từ bảy tám năm nay ai ngờ lại tìm thâý ở một nơi mà chiến tranh đã xảy ra ác liệt nhất . Trên mảnh đất mà chỉ mới đay thôi còn ngợp lên một rừng cây chó đẻ, dây thép gai, mìn, vỏ đạn đại bác , nhừ nát vì những hó bom, những giao thong hoà , những đoạn xương người nằm rải rác ... giờ là cả một bãi trồng lạc trải mênh mông từ chân khu nhà ở ... cho mãi tới giáp rừng . Từ cái màu xanh lặng lẽ của bãi lạc, cái bóng lá loáng mướt của rặng chuối ... cho tới mảng khói bay qua ánh đèn trông rõ từng sợi xanh ... tất cả những hình ảnh bình dị đó đều mang một ý nghĩa nhân văn và triết lí sâu sắc ... Cuối cùng thì trên cái nơi còn đầy vết tích của chiến tranh , của chết chóc ấy, cái mầm sống thiêng liêng nhất đã hoài thai : bóng dáng nặng nề của những chị có mang ở khu gia đình . Trên bãi chiến trường ác liệt ấy, chỉ cách đây mấy tháng con người vẫn còn ngã xuống vì vấp phải bom mìn của kẻ thù còn sót lại, bây giờ đã nảy nở, không chỉ một mùa lạc đầu tiên mà còn cả những xao xuyến đầu tiên của niềm khát khao được sống cho đầy đủ, cho trọn vẹn cuộc sống của con người . Những người lính và người dân ấy đến với nhau trên Hồng Cúm, Điện Biên lịch sử ấy là để cùng nhau trồng nên một bãi lạc xanh, cũng là trồng cho mình một sắc xanh của sức sống, của ước mơ và của tình yêu hạnh phúc .
Và cũng từ chính mảnh đất ấy, Đào đã tìm thâý hạnh phúc cho chính mình . Một lá thư nói những lới gắn bó yêu thương, cho dù là của một người luống tuổi mới quen cũng có thể gây một cảm giác êm đềm cứ lan nhanh ra, như mạch nước ngọt rỉ thẫm vào những thớ đất khô cằn vì nắng hạn ... Đào sung sướng, một nỗi vui sướng kì lạ ... Trong đầu chị tràn ngập niềm vui, mơ ước và tin tưởng . Chị thấy mình gắn bó với mảnh đát này, với những người thân yêu dù không phải là anh em ruột thịt . Chính những nỗ lực hoà đồng của Đào, chính niềm say sưa lao động và tính cách không chịu thua kém ai của chị đã góp phần quan trọng vào cuộc hồi sinh kì diệu đó .
Trong tác phẩm, Nguyễn Khải đã xây dựng bên cạnh Đào nhân vật Huân muốn đem lại hạnh phúc cho người yêu mà không hề đòi hỏi được trả lại , và tâm hồn anh được cuộc sống tôi luyện trở nên trong suốt soi và là có thể thấy được tâm tư của người khác . Chính tính cách và sự bao dung của Huân kết hợp với lời lẽ trêu ngươi của Lâm là một trong những yếu tố không thể thiếu giúp Đào nhận ra ý nghĩa của cuộc sống, giúp chị xoá đi mặc cảm để hoà đồng với mọi người, và tìm thấy niềm hạnh phúc thực sự .
III . KẾT THÚC VẤN ĐỀ .
Có thể nói Mùa lạc là mùa vui, là mùa hồi sinh sự sống, mùa của những cuộc đổi đời . Tác phẩm là bài ca ca ngợi sức sống vĩnh hằng của con người, vượt qua những mặc cảm , những khó khăn của cuộc đời để đi tới bến bờ của tình yêu và hạnh phúc .
Nguồn: Sưu tầm
Đăng nhận xét