Tỷ lệ 'chọi' của 7 trường ĐH lớn nhất phía Bắc
(GDVN) ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Giao thông vận tải, ĐH Thủy Lợi, Học viện Ngân hàng, ĐH Kinh tế quốc dân...công bố tỉ lệ “chọi” năm 2012.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết tổng hồ sơ năm nay nhận được 19.000 bộ, chỉ tiêu của trường là 5.200 đại học theo 44 ngành học, chia thành 7 nhóm ngành.
Do đó, tỷ lệ “chọi” dự kiến khoảng 1/3,6. Ngành có số lượng thí sinh dự thi đông nhất là nhóm 1: Cơ khí, cơ điện tử và Nhiệt lạnh, nhóm 2: Điện - Điện tử - CNTT - Toán tin.
Trường áp dụng phương thức xét tuyển linh hoạt, thí sinh không đạt điểm chuẩn vào nhóm ngành đăng ký dự thi sẽ được xét chuyển sang một nhóm ngành khác theo nguyện vọng đăng ký bổ sung.
Cuối năm học thứ nhất, sinh viên sẽ có điều kiện tìm hiểu kỹ và lựa chọn đăng ký ngành học thuộc nhóm ngành trúng tuyển. Nhà trường xếp ngành cho nhóm ngành 1-3 dựa trên kết quả học tập năm thứ nhất, riêng các nhóm 4-7 hoàn toàn theo nguyện vọng đăng ký của sinh viên.
Ảnh minh họa Internet. |
Trường ĐH Ngoại thương, khu vực phía Bắc năm nay nhận được 10.400 bộ hồ sơ, chỉ tiêu là 2.500; khu vực phía Nam là 3.500 bộ, chỉ tiêu 900.
Như vậy, tỷ lệ “chọi” khu vực phía Bắc dự kiến khoảng 1/ 4,16; Tỷ lệ “chọi” khu vực phía Nam là 1/3,88.
Nếu thí sinh đủ điểm trúng tuyển theo mã chuyên ngành ĐKDT ban đầu thì không cần phải đăng kí xếp ngành và chuyên ngành học.
Nếu thí sinh không đủ điểm trúng tuyển vào chuyên ngành ĐKDT ban đầu nhưng đạt điểm sàn xét tuyển của trường thì được đăng ký xét tuyển sang các chuyên ngành còn chỉ tiêu. Điểm trúng tuyển vào các ngành ngôn ngữ Anh, Pháp, Trung, Nhật và các ngành học tại cơ sở Quảng Ninh được xác định riêng.
Trường ĐH Giao thông Vận tải, năm nay nhận được 17.799 hồ sơ, chỉ tiêu vào trường là 5.000 sinh viên, trong đó, tại cơ sở chính Hà Nội chỉ tiêu là: 3.500 sinh viên; Tại cơ sở II TPHCM, chỉ tiêu là 1.500 sinh viên.
Như vậy, tỷ lệ “chọi” dự kiến vào trường là 1/3,5.
Được biết, năm nay Trường ĐH Giao thông vận tải xác định điểm trúng tuyển chung đối với từng cơ sở đào tạo tại Hà Nội (GHA) và tại TPHCM (GSA).
Sau khi sinh viên trúng tuyển vào trường sẽ được đăng ký chuyên ngành đào tạo. Sinh viên được vào học theo các chuyên ngành căn cứ vào kết quả thi tuyển sinh, nguyện vọng đăng ký của thí sinh và chỉ tiêu của từng chuyên ngành. Trường hợp thí sinh đã trúng tuyển vào trường nhưng không đúng chuyên ngành theo nguyện vọng đã đăng ký sẽ được đăng ký vào các chuyên ngành khác.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm nay nhận được 16.300 bộ hồ sơ, chỉ tiêu là 3.060. Dự kiến tỷ lệ “chọi” 1/5,3.
Học viện Ngân hàng, số lượng hồ sơ thí sinh ĐKDT là 10.000, trong đó khối A 8.768 (chỉ tiêu là 2.100), khối D 1.333 (chỉ tiêu là 200). So với chỉ tiêu của trường thì dự kiến tỷ lệ “chọi” khối A là: 1/ 4,1, khối D là: 1/6,6. Học viện xây dựng điểm xét tuyển chung theo khối thi.
Học viện Tài chính năm nay nhận được 13.203 hồ sơ ĐKDT, trong đó khối A là 12.343, khối D1 là 860. Tổng chỉ tiêu của trường năm nay là 3.350, dự kiến tỷ lệ “chọi” là 1/ 3,9.
Trường ĐH Kinh tế quốc dân, tổng số hồ sơ ĐKDT vào trường là 22.000, trong đó khối A là 17.000 hồ sơ, khối D là 5.000. Chỉ tiêu vào trường năm nay là 4.500. Dự kiến tỷ lệ “chọi” là 1/ 4,8.
Đăng nhận xét