Ads (728x90)

Thiết kế website và Marketing 04:01 A+ A- Print Email


BA CỐNG HIẾN VĨ ĐẠI CỦA CÁC MÁC
ĂNG-GHEN


1. Phri-đrích Ăng-ghen (1820 -1895) xuất thân trong một giàu có ở Bác-men, Đức. Ông học đại học ở Béc-lin, quen biết Các Mác năm 1844 ở Pa-ri, sau đó sang sống ở Anh và mất ở đây. Ông là nhà triết học, nhà lí luận và hoạt động cách mạng, lãnh tụ của giai cấp vô sản toàn thế giới.
Ăng-ghen chủ yếu viết những tác phẩm về triết học, chính trị, kinh tế, lịch sử, có công trình viết chung với Mác là Tuyên ngôn Đảng Cộng sản (1848).

2. Các Mác (1818 -1883) là con của một luật sư ở Tê-ri-e, Đức. Ông sớm tiếp xúc với tư tưởng Cách mạng Pháp 1789 và nền văn học cổ điển Đức, bảo vệ luận án tiến sĩ triết học năm 23 tuổi. Sau nhiều truân chuyên trong bước đường hoạt động xã hội và cách mạng, ông sang ở hẳn Luân Đôn và mất ở đây.

Công trình nổi tiếng nhất của Mác là bộ Tư bản (1864 - 1876).

3. Mác qua đời ngày 14 - 3  -1883, tang lễ cử hành tại nghĩa trang Hai-ghết (Luân Đôn). Ăng-ghen đọc bài phát biểu trước mộ Mác. Đây là một bài văn nghị luận tiêu biểu và có giá trị văn chương.

4.Đọc hiểu

Là nhà triết học, lí luận, nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc của thế giới, Ăng-ghen cũng có rất nhiều đóng góp trên lĩnh vực văn học nghệ thuật. Bài phát biểu của Ăng-ghen đọc trước mộ Các Mác là một bài văn nghị luận tiêu biểu và có giá trị văn chương. Bài phát biểu ngắn gọn súc tích, bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ tôn vinh tài năng và tên tuổi của nhà cách mạng vĩ đại thế giới : Các Mác.

Bài văn có thể được chia làm 3 phần :

Phần 1 (từ đầu đến gây ra) : sự ra đi của Mác với niềm tiếc thương vô hạn của người ở lại.

Phần 2 (tiếp theo đến không làm gì thêm nữa) : tổng kết 3 cống hiến vĩ đại của Mác đối với khoa học lịch sử và phong trào cách mạng.

Phần 3 (phần còn lại) : khẳng định sự bất tử của tên tuổi và sự nghiệp của Mác.

Ngay phần mở đầu, tác giả có cách nêu tình huống tạo một sự chú ý đặc biệt với người đọc : “Chiều ngày 14 tháng ba, vào lúc ba giờ kém mười lăm phút, nhà tư tưởng vĩ đại nhất trong số những nhà tư tưởng hiện đại đã ngừng suy nghĩ”. Câu văn mở đầu đồng thời là lời thông báo về sự ra đi vĩnh viễn của Các Mác rất cảm động. Cách nói giảm “nhà tư tưởng vĩ đại” “đã ngừng suy nghĩ” vừa tạo sắc thái kính cẩn lại vẫn tạo ra vẻ trang trọng rất đúng với hình ảnh một con người suốt đời “cống hiến cho sự nghiệp giai cấp vô sản toàn thế giới”. Cũng giống như những bài văn có ý nghĩa tiễn đưa, khóc thương người đã mất, trong phần mở đầu tác giả cũng bộc lộ rõ cảm xúc của mình về sự ra đi Mác : “Rồi đây, người ta sẽ cảm thấy nỗi trống vắng do sự qua đời của bậc vĩ nhân ấy gây ra”. Ngôn ngữ ngắn gọn súc tích nhưng lại có sức biểu cảm sâu xa, có khả năng đánh thức những tình cảm kính yêu muôn vàn của người đọc đối với vị lãnh tụ.

Riêng ở phần 2, tác giả đã dành phần lớn dung lượng của bài viết ghi lại những cống hiến to lớn của Mác.

Trước hết, đó là tìm ra quy luật phát triển của lịch sử loài người : con người trước hết cần phải có cái ăn, cái uống, quần áo và chỗ ở rồi sau đó mới có thể làm chính trị, khoa học, nghệ thuật và tôn giáo. Đó cũng là một lôgíc đơn giản có ý nghĩa biện chứng. Các thể chế nhà nước, các quan điểm pháp quyền, nghệ thuật, tôn giáo phải được xuất phát từ sự phát triển kinh tế, từ điều kiện vật chất trực tiếp, cụ thể. Cách so sánh với quy luật phát triển thế giới hữu cơ của Đác Uyn cùng với nghệ thuật liệt kê đã làm tăng sức thuyết phục và sự vĩ đại trong cống hiến của Mác.

Cống hiến thứ 2 là việc tìm ra quy luật vận động của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa hiện nay và của xã hội tư sản do phương thức đó sinh ra. Đặc biệt là việc phát hiện giá trị thặng dư – phần giá trị dôi ra ở sản phẩm so với khoản tiền phải chi để tạo sản phẩm ấy.

Cống hiến thứ 3 là những phát kiến khoa học có tác động cách mạng đến công nghiệp, đến sự phát triển lịch sử nói chung. Khi nêu cống hiến thứ 3 của Mác, tác giả có ý tách thành 2 đoạn văn nhỏ :

Đoạn thứ nhất khẳng định con người khoa học ở Mác ; đoạn thứ hai khẳng định con người cách mạng ở Mác. Điều đặc sắc là mối quan hệ biện chứng giữa khoa học và cách mạng : “Khoa học đối với Mác là một động lực lịch sử, một lực lượng cách mạng”. Mác là nhà khoa học nhưng trước hết ông cũng là một nhà cách mạng. “Đấu tranh là hành động tự nhiên của Mác”. Ông cũng là người đầu tiên đem đến cho giai cấp vô sản sự ý thức về địa vị và yêu cầu của mình. Cách trình bày 3 cống hiến của Mác được Ăng-ghen sắp xếp chặt chẽ, theo một trật tự logíc nhất định. Bằng biện pháp nghị luận tăng tiến, người đọc nhận ra sự phát triển hiệu quả của từng cống hiến của Mác. Cống hiến sau lớn hơn, vĩ đại hơn cống hiến trước. Chẳng hạn để mở đầu cho lời giới thiệu cống hiến thứ 2 (sau cống hiến thứ nhất) là lời dẫn : “Nhưng không chỉ có thế thôi”. Hoặc câu văn chuyển tiếp “Nhưng đấy hoàn toàn không phải điều chủ yếu ở Mác” để tác giả đi đến khẳng định : “Khoa học đối với Mác là một động lực lịch sử, một lực lượng cách mạng”. Các cụm từ như bởi lẽ, trước hết, đó là… mở đầu các đoạn văn không chỉ có tác dụng liên kết đoạn mà còn tạo cho người đọc có nhiều điểm nhìn mở rộng và sâu sắc về Mác. Những lập luận tạo được sự lôgíc, mạch lạc.

Lời của Ăng-ghen ở phần kết, một lần nữa khẳng định lại sự bất diệt của tên tuổi và sự nghiệp của Mác. Ở đó người đọc cũng nhận ra một niềm kính yêu, sự cảm phục sâu sắc, một sự tiếc thương vô hạn của Ăng-ghen với Mác. Đó cũng là sự tôn vinh chính nghĩa khi Mác đứng về phía nhân loại tiến bộ, về phía giai cấp vô sản toàn thế giới để bảo vệ quyền lợi của họ.

*LIÊN HỆ

Gien-ni và Lô-ra để đùa nghịch, một hôm có nêu lên cho Mác một loạt những câu hỏi mà những câu trả lời phải làm thành một thứ "bộc lộ".

Phẩm chất mà ba thích nhất :

Ở con người : Tính giản dị.
Ở đàn ông : Sức mạnh.
Ở đàn bà : Sự mềm dịu.

Đặc điểm tiêu biểu của ba : Tính thống nhất của mục đích.

Quan niệm của ba về hạnh phúc : Đấu tranh.

Quan niệm của ba về bất hạnh : Sự phục tùng.

Khuyết điểm ba dễ tha thứ nhất : Lòng tin nhẹ dạ.

Khuyết điểm ba căm ghét nhất : Sự xu nịnh.

Ác cảm của ba : Mác-tin Túp-pơ.

Công việc ba thích nhất : Lục lọi sách.

Các nhà thơ yêu thích : Sếch-xpia, Ét-si-lơ, Gớt.

Nhà văn yêu thích : Đi-đơ-rô.

Nhân vật nam yêu thích nhất : Xpác-ta-cút, Kê-ple.

Nhân vật nữ yêu thích nhất : Gơ-rét-xen.

Bông hoa ba yêu thích nhất : Nguyệt quế.

Màu ba yêu thích nhất : Màu đỏ.

Tên ba yêu thích nhất : Lô-ra, Gien-ni.

Món ăn ba yêu thích nhất : Cá.

Châm ngôn ba yêu thích nhất : Không có cái gì của con người lại là xa lạ đối với tôi.

Khẩu hiệu ba yêu thích nhất : Phải hoài nghi tất cả.
(C.Mác – F.Ăng-ghen, V.I.Lê-nin, 
Về văn học nghệ thuật, NXB Sự thật, 1977)

(KĐH - Nguồn: Đọc hiểu Ngữ văn 11, NXB GD, 2007)

Đăng nhận xét